Góc phải dọc lối lên cầu Long Biên, cứ tầm 5h chiều, những bức tranh vải tỉ mẩn lại được người họa sĩ già chăm chút “đánh bóng”. Bố cục chặt chẽ, màu sắc hợp lý, nét vẽ tinh tế, thu hút ánh nhìn của những người qua đường. Có người dừng xe, tấp vào lề đường, đứng lại hỏi giá. “Ông chủ” đáp rằng chỉ 150.000 – 450.000 đồng. Người ta buồn chép miệng, “tiếc cho công sức của người nghệ sĩ”.
Họa sĩ Nguyễn Văn Minh (62 tuổi, Ngọc Lâm, Hà Nội) tên thật là Nguyễn Văn Bình. Ông lấy nghệ danh là Bình Minh, 3/4 cuộc đời gắn liền với hội họa. Ông nói, tình yêu nghệ thuật là chất riêng trong mỗi người, liệu mỗi cá thể có đủ bản lĩnh và nghị lực dành cho nó không? Riêng ông, năm 11 tuổi đã bắt đầu mê mẩn những nét vẽ.
Thời bấy giờ chưa có trường Đại học chuyên ngành mỹ thuật, ông theo học trung cấp, lên cao đẳng, rồi sau này học lại Đại học. 2 lần đi học, mỗi khóa có trên dưới 150 sinh viên. Tuy nhiên, về sau, những ai cầm nổi cây vẽ cho đến bây giờ, chắc được tầm 10 người.
Trở thành họa sĩ dẫu biết nghệ thuật không mua nổi bát cơm, ông yêu công việc đến nỗi, đam mê đủ lớn để phủ lấp tất cả khó khăn. “Cuộc sống công bằng lắm, mình yêu nó, nó không phụ mình. Cây bút vẽ trông bé thế thôi, nhưng phải dũng cảm lắm mới cầm nổi”, ông suy tư.
“Phòng triển lãm” ngoài trời của ông họa sĩ già 62 tuổi
Những tác phẩm hội họa khiến nhiều người thích thú.
Họa sĩ Bình Minh kí tên trong một tác phẩm được người dân hỏi mua
Cống hiến cho nghệ thuật 37 năm, họa sĩ Bình Minh nếm đủ mọi đắng cay, đói khổ. Vợ mất cách đây 16 năm, ông chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Khi một trong những người con ngỏ ý muốn theo bước cha mình, mong muốn vẽ tranh bán kiếm tiền, gia đình không đồng ý, bởi lẽ “trong nhà có một nghệ sĩ là đủ lắm rồi”.
Mỗi ngày, tùy hứng thú, ông có thể vẽ được 1 – 2 bức tranh. Nếu không, có khi một tháng chưa có thêm bức nào. Sự chăm chỉ và cần cù giúp người họa sĩ có được hơn 6.000 tác phẩm trong hơn 37 năm qua, chủ đề chính về tình yêu phong cảnh, quê hương, đất nước và con người.
Không nằm ngoài ảnh hưởng của Covid-19, nghệ thuật vốn dĩ đã không mua nổi bát cơm, lại càng đẩy người nghệ sĩ vào cảnh khốn cùng. Bất đắc dĩ, họa sĩ Bình Minh mới đưa “những đứa con tinh thần” lên cầu Long Biên rao bán.
Ngày đầu tiên, chỉ có 2 người tới mua. Ngày tiếp theo, 3 bức tranh giúp ông “đong gạo” cho hôm đó. Đến ngày thứ 3, hàng dài người xếp hàng ngắm nghía “phòng triển lãm ngoài trời” của lão họa sĩ già. “Đó là tín hiệu tích cực”, lão gật gù. Hóa ra, một vị khách qua đường sau khi mua tranh đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, khiến lão từ một “kẻ vô danh”, trở nên “nổi tiếng”.
Dù trời sắp mưa, nhưng người dân vẫn say sưa ngắm tranh
Họ ngắm nghía, cùng thảo luận, trao đổi nghệ thuật với tác giả
Đối với người làm nghệ thuật, mỗi tác phẩm như một đứa con. Ông nói, đáng nhẽ nên tổ chức phòng trưng bày, hay ít nhất một vài buổi thường thức mỹ thuật, nhưng “có mơ cũng không được”.
“Tôi vẽ tranh, bán với mức giá bình dân, trừ tiền màu, họa phẩm, vẫn còn chút đỉnh. Nếu trong phòng tranh, mức giá bán ra có thể cao gấp 10 lần. Nhưng công chúng, không phải ai cũng đủ tiền để sẵn lòng bỏ ra hàng ngàn đô mua tranh”.
Chưa đến 500 nghìn cho mỗi bức tranh vải sơn, họa sĩ Bình Minh đủ tiền mua họa phẩm, rồi nối tiếp cuộc sống và sự nghiệp. Dù khó dù khổ đến mấy, ông vẫn muốn vẽ thật nhiều tác phẩm, để “một đời mãi yêu nghệ thuật”.
Không chỉ trực tiếp đến mua tranh ủng hộ người họa sĩ già, có người còn “đặt hàng” trực tiếp, nhờ nghệ thuật của ông “chiều lòng” những ý tưởng bên trong họ. Có ngày, không thấy ông đứng ở góc cầu Long Biên, “công chúng” lại gọi điện, nên nhiều khi “muốn nghỉ cũng chả được”.
“Mọi người quý mình, mình cũng tôn trọng mọi người, thì cuộc sống càng thêm sinh động”, ông tấm tắc, luôn miệng nói cảm ơn những người đến mua tranh ủng hộ.
Họa sĩ Bình Minh với đôi tay luôn nhem nhuốc và cả vết màu vẽ trên lông mày
Hộp màu đằng sau xe máy của ông
Một người phụ nữ mua tác phẩm phố cổ Hà Nội
Chị Linh (32 tuổi) cùng chồng phải đi 3 vòng cầu Long Biên mới gặp bằng được người họa sĩ già, quyết tâm mua bằng được tranh ông vẽ. Trước đây, chị thường mua tranh ở phòng tranh với chi phí khá cao, nên khi nghe bác Minh giới thiệu giá từng tác phẩm, chị “hơi tiếc cho công sức của bác”.
“Có nhiều cách để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật với công chúng. Với mức giá như thế này, tôi nghĩ ai cũng có thể tiếp cận. Những phòng tranh ở phố cổ, không phải đối tượng nào cũng có thể có mấy ngàn đô cho một bức vẽ”, chị nói.
Dù trời sấm chớp, báo hiệu cơn mưa rào sắp kéo tới, nhưng những người xem tranh vẫn đang mải miết với thú vui của mình. Ai cũng hài lòng khi mua được một tác phẩm với mức giá phải chăng, lại có thể giúp đỡ cuộc sống của một người họa sĩ già.
Bàn tay nhem nhuốc màu sơn, đến cả đôi lông mày cũng có màu vẽ, ông Minh cười tít mắt hạnh phúc khi đón nhận sự hưởng ứng ngoài mong đợi. Trong khi ông đang mải nói chuyện với khách hàng, từ xa, cô bán trà đá gần đó hớt hải chạy tới, “trách mắng” ông: “Hôm qua có người đi mấy chục km đến kiếm bác mà không được”. Ông cười xin lỗi, gửi cô số điện thoại, dặn nếu có ai đến tìm, cứ gọi là ông lại phi xe từ nhà ra cầu Long Biên ngay, đúng với tiêu chí để “một đời mãi yêu nghệ thuật”.
Tác phẩm khắc họa chính cây cầu Long Biên lịch sử
Nhiều người thích thú chụp lại những tác phẩm yêu thích
footerFbSdk.init();
});
Nguồn tin: Kenh14.vn